SETP

CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG BỀN VỮNG
VIỆT NAM – EU (SETP)

Ban Chỉ đạo Chương trình Chuyển dịch Năng lượng Bền vững Việt Nam – EU họp lần thứ 3

Chiều 4/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Chương trình Chuyển dịch Năng lượng Bền vững Việt Nam – EU tiến hành phiên họp lần thứ 3 nhằm cập nhật tiến độ giải ngân gói hỗ trợ ngân sách thuộc chương trình SETP, tiến độ triển khai 4 dự án hỗ trợ bổ sung và phê duyệt kế hoạch hoạt động năm 2025 của bốn dự án này. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long và Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Julien Guerrier đồng chủ trì phiên họp.

Photo: SETP

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long và Đại sứ Julien Guerrier chào mừng các đại biểu về dự phiên họp. Hai đồng chủ trì khẳng định chương trình SETP đang hỗ trợ hiệu quả cho Việt Nam hiện thực mục tiêu chuyển dịch năng lượng hướng tới phát thải ròng bằng 0 như cam kết tại COP26. Các hoạt động phối hợp cấp cao giữa EU và Bộ Công Thương có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường quan hệ ngoại giao Việt Nam – Liên minh châu Âu và thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng bền vững tại Việt Nam.

Cập nhật tiến độ công tác hỗ trợ Ngân sách, giải ngân đợt 1 năm 2022 và đợt 2 năm 2023 đều đạt 100% theo kế hoạch (tổng hai đợt là 48 triệu EUR). Báo cáo giải ngân đợt 3 đã được gửi cho Liên minh châu Âu và đang chờ kết quả phê duyệt.

Tại phiên họp, đại diện 4 dự án hỗ trợ bổ sung cập nhật tiến độ thực hiện. Theo đó, dự án Hỗ trợ Kỹ thuật Chuyển dịch Năng lượng Bền vững Việt Nam-EU (EVSET) đang thực hiện 14 hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị thuộc Bộ Công Thương. Ngoài ra Dự án còn hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị ngoài bộ Công Thương, hỗ trợ Ban Thư ký Nhóm đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) tổ chức các diễn đàn trao đổi chính sách năng lượng.

Dự án Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng (AIS4EE) đã khởi động Chương trình Tăng tốc khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng, nhận được 164 hồ sơ từ 23 nước đăng ký tham gia, hiện Chương trình đang thực hiện các giai đoạn tiếp theo. Dự án cũng xác định được những khó khăn về mặt pháp lý để đề xuất khuyến nghị chính sách để khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo về hiệu quả năng lượng tại Việt Nam.

Dự án Đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp lớn thông qua hệ thống quản lý năng lượng, tối ưu hóa hệ thống và thực hành tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam (IEEP) đã hoàn thành vượt mục tiêu hầu hết các chỉ tiêu về tăng cường Khung thể chế và chính sách, đào tạo cho 389 lượt chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp công nghiệp và đang thực hiện 12 dự án trình diễn về áp dụng hệ thống quản lý năng lượng, tối ưu hóa hệ thống và thực hành tiết kiệm năng lượng.

Dự án Nâng cao nhận thức cộng đồng về Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả Năng lượng (PAR3E) đã thực hiện nghiên cứu tổng thể đánh giá thực trạng ngành năng lượng Việt Nam, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Dự án thực hiện nghiên cứu bốn nhóm mục tiêu gồm các cơ quan thuộc khu vực công, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính, mạng lưới truyền thông báo chí, và người dân tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Lào Cai, Nghệ An và Bạc Liêu.

Kết thúc phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long và Đại sứ Julien Guerrier ghi nhận nỗ lực triển khai của các Dự án để đạt được những kết quả tích cực trong năm 2024. Năm 2025, Việt Nam sẽ đẩy mạnh triển khai nhiều chính sách về chuyển dịch năng lượng như Luật Điện lực sửa đổi, Chính sách khuyến khích điện mặt trời áp mái, cơ chế mua bán điện trực tiếp… nên sự hợp tác giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và các dự án hỗ trợ bổ sung để thực hiện hiệu quả chương trình SETP càng đóng vai trò quan trọng.

Ban chỉ đạo nhất trí thông qua kế hoạch hoạt động của các dự án trình bày tại phiên họp. Trong tháng 12, Bộ Công Thương và EU sẽ tiến hành một chuyến thăm cấp cao tới các dự án năng lượng tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Back To Top