Tăng cường kết nối và hợp tác giữa start-up Việt với các nhà đầu tư trong khu vực nhằm thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng quy mô, giải pháp kinh doanh về hiệu quả năng lượng — trong khuôn khổ Chương trình Tăng tốc thuộc Dự án “Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng” (Dự án AIS4EE) do Liên minh châu Âu (EU) và Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) tài trợ.
Ngày 24 đến ngày 27 tháng 02 năm 2025, Dự án AIS4EE đã tổ chức chuyến gọi vốn quốc tế kết hợp thăm quan học tập kinh nghiệm về khởi nghiệp sáng tạo cho các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng đã vượt qua vòng sơ loại và đang tham gia Chương trình tăng tốc khởi nghiệp của Dự án. Đoàn công tác do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương là chủ dự án chủ trì, phối hợp cùng GGGI và Touchstone Partners thực hiện.
Ngày 25/02/2025, tại Trung tâm Khởi nghiệp JTC Launchpad, 13 Doanh nghiệp khởi nghiệp đang tham gia Chương trình tăng tốc khởi nghiệp đã trình bày các giải pháp với các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư chiến lược trong khu vực có trụ sở tại Singapore.
Ông Quách Quang Đông, Phó Vụ trưởng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương phát biểu khai mạc phiên gọi vốn
Phát biểu với các start-up Việt Nam và các nhà đầu tư của Singapore, ông Quách Quang Đông, Phó Vụ trưởng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững nhấn mạnh vai trò quan trọng của hiệu quả năng lượng trong quá trình chuyển đổi xanh và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ông cho biết: “Ngoài việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo, việc phát triển các công nghệ, thiết bị và mô hình quản lý hiệu quả năng lượng cũng quan trọng không kém nhằm đảm bảo tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng“.
Trong phần phát biểu của mình, ông Juhern Kim, Trưởng đại diện quốc gia GGGI tại Việt Nam, khẳng định vai trò quan trọng của các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cũng như thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Theo đó, gần 70% lượng carbon cần cắt giảm để đạt net-zero năm 2050 sẽ phụ thuộc vào các công nghệ vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Đây là lĩnh vực rất cần sự tiên phong của các doanh nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp để phát triển các giải pháp sáng tạo. Ông đề cao tầm quan trọng của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hiệu quả năng lượng, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu hợp tác giữa các chính phủ, đối tác phát triển, nhà đầu tư và các start-up nhằm mang đến những tác động tích cực, hiệu quả.
Ông Juhern Kim, Trưởng đại diện quốc gia GGGI tại Việt Nam
Ông Juhern Kim cho biết: “Chúng tôi quan tâm đến các giải pháp khí hậu và tiềm năng đầu tư của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này, vì hai yếu tố này tương trợ lẫn nhau. Sự quan tâm và lãnh đạo đúng đắn của Chính phủ Việt Nam và sự hỗ trợ từ EU thực hiện Dự án AIS4EE này đã đem đến cơ hội cho 14 doanh nghiệp có thể hiện thực hóa tầm nhìn này!“.
Ngoài hoạt động kết nối đầu tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp và đoàn công tác còn tham gia tìm hiểu, trao đổi hợp tác với các đơn vị đi đầu trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Singapore như KrossLinker, Life Science Incubator, NTUitive, Học viện Khởi nghiệp thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Viện Nghiên cứu năng lượng thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), ENGIE Factory và A*STAR – Cơ quan nghiên cứu và phát triển (R&D) hàng đầu trong khu vực công của Singapore.
Đoàn công tác và các start-up của Dự án AIS4EE thăm quan và làm việc với một số đơn vị tại Singapore
Chương trình Tăng tốc khởi nghiệp thuộc dự án AIS4EE là chương trình tăng tốc đầu tiên về hiệu quả năng lượng tại Việt Nam, dành riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhóm học sinh, sinh viên. Dự án là một phần của Chương trình chuyển dịch năng lượng bền vững Việt Nam – EU (SETP), do Bộ Công Thương chủ trì với sự tài trợ của Liên minh châu Âu. Chuyến đi gọi vốn quốc tế này đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với dự án AIS4EE, cho thấy tiềm năng của các start-up Việt Nam trong việc thu hút đầu tư quốc tế và thúc đẩy các giải pháp khí hậu của doanh nghiệp.